Chúc mừng quý khách hàng tại Tỉnh Ninh Thuận đã trúng thưởng giải Đặc Biệt mở thưởng ngày 26/4/2024, ký hiệu: 17
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở NINH THUẬN

(Tài liệu phục vụ tuyên truyền do Đảng ủy Công ty sưu tầm cung cấp và chịu trách nhiệm về nội dung)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Ninh Thuận

Ngày 21/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Ninh Thuận thành công, chính quyền về tay Nhân dân. Ninh Thuận tự hào là một trong ba tỉnh giành chính quyền thắng lợi sớm nhất miền Nam (sau Quảng Nam 18/8 và Khánh Hòa 19/8).

Quá trình xây dựng lực lượng cách mạng

Sau khi các Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời (4/1930), các tổ chức Đảng đã chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các tổ chức Đảng là quan tâm xây dựng, phát triển quần chúng cốt cán nhiều nơi trong tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo Nhân dân và công nhân tổ chức các phong trào đấu tranh.

Đề pô xe lửa Tháp Chàm, nơi có phong trào đấu tranh cách mạng

rất sôi nổi của giai cấp công nhân

Trong giai đoạn 1930-1936, diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của Nhân dân và công nhân Đề pô xe lửa Tháp Chàm, Sở muối Cà Ná, Phương Cựu… tiêu biểu là cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930 với sự tham gia của 120 công nhân Đề pô xe lửa Tháp Chàm đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ cúp phạt, thực hiện phụ cấp ốm đau và tai nạn lao động cho công nhân; mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 01/8/1930, ngày chống chiến tranh đế quốc; tổ chức cắm cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn ở nhiều nơi trong tỉnh: Tháp Chàm, Đắc Nhơn, Mỹ An, Sở muối Cà Ná, Phương Cựu, Mũi Dinh. Trong giai đoạn này, cách mạng Ninh Thuận cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách khủng bố trắng của địch, nhưng sau một thời gian các đảng viên và cốt cán đã liên lạc, xây dựng lại cơ sở; phong trào cách mạng đã được khôi phục.

Giai đoạn đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ 1936-1939, tổ chức Đảng ở Ninh Thuận được thành lập lại, đảng viên ở Ninh Thuận đã liên lạc và nhận sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ. Đồng thời, Xứ ủy Trung kỳ cử nhiều cán bộ vào Ninh Thuận hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh cực Nam Trung bộ. Từ đây, mở ra một thời kỳ mới cho phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi. Các tổ chức Đảng đã đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân, công nhân đòi quyền dân sinh, dân chủ, tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống… đồng thời, giáo dục quần chúng nhận thức rõ quyền lợi dân tộc, giai cấp, ý thức về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ; động viên tham gia vào các đoàn thể, xây dựng cốt cán và các chủ trương của Đảng.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (01/9/1939), Đảng chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ chống đế quốc và Việt gian tay sai để giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) chủ trương tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” (Việt Minh) nhằm tập hợp tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần dân tộc vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Pháp, phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Ở Ninh Thuận, đã gấp rút xây dựng lực lượng và phát triển các tổ chức cứu quốc: Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Công nhân cứu quốc; thành lập các nhóm phụ trách “Việt Minh vùng”, “Đội Danh dự”. Đặc biệt, đầu năm 1945, Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh Ninh Thuận được thành lập; Ủy ban Việt Minh phân công các Ủy viên phụ trách từng Tổng để chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh còn có sự hoạt động của tổ chức Hướng đạo do cốt cán Việt Minh làm hạt nhân để hướng các hoạt động của hướng đạo vào việc tuyên truyền lòng yêu nước, ý thức dân tộc và tinh thần sẵn sàng đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền thành công

Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa Toàn quốc, ở Ninh Thuận không khí chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền rất sôi động. Tin tức các địa phương trong nước khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần quân dân tỉnh Ninh Thuận. Để chuẩn bị một số nhiệm vụ trước mắt, các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tỉnh Ninh Thuận bí mật họp tại một địa điểm ở làng Vạn Phước (Phước Thuận, Ninh Phước). Quyết định đẩy mạnh hoạt động vũ trang, tuyên truyền kịp thời tin phát xít Nhật đầu hàng và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Việt Minh. Phát động quần chúng chuẩn bị chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Xúc tiến việc huấn luyện cho cán bộ, đội viên “Đội Danh dự” để làm nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền.

Được tin tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật (do tên Tư Triết cầm đầu) sẽ tổ chức mít tinh vào chiều ngày 21/8/1945. Vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 20/8/1945, tại Miếu Ngũ Hành (Miếu Năm Bà) ở Bảo An, đồng chí Lê Chưởng thay mặt  Ủy ban Việt Minh tỉnh triệu tập cuộc họp bất thường để triển khai những quyết định của cuộc họp ở làng Vạn Phước. Tham dự cuộc họp có đại biểu của công nhân Đề pô Tháp Chàm, đại biểu Nhà đèn Tháp Chàm, đại diện “Đội Danh dự” Tháp Chàm, Vạn Phước, đại biểu Nhà dây thép Tháp Chàm, thợ thủ công Tháp Chàm và đại biểu nông dân làng Vạn Phước, Trường Sanh. Đây là cuộc họp có số người dự họp đông nhất kể từ khi có phong trào Việt Minh ở Ninh Thuận. Tại cuộc họp, đại biểu Đề pô Tháp Chàm báo tin Nha Trang đã giành được chính quyền chiều ngày 19/8/1945. Các đại biểu đã bàn kế hoạch chuẩn bị lực lượng để phá cuộc mít tinh của “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật sẽ tổ chức lễ ra mắt vào chiều 21/8/1945 tại sân trường tiểu học làng Bảo An. Đồng chí Lê Chưởng thay mặt Việt Minh tỉnh phát biểu “Cuộc Tổng khởi nghĩa trong Toàn quốc đã chín muồi. Nhiều tỉnh ở miền Bắc đã giành được chính quyền. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Trung ương. Tỉnh ta cũng phải theo bước các tỉnh miền Bắc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Trước mắt chúng ta phải phá cuộc mít tinh của “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật vào chiều 21/8/1945, biến cuộc cuộc mít tinh ấy thành cuộc biểu tình vũ trang của Việt Minh”.

 

Miếu Ngũ Hành (Miếu Năm Bà), nơi Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh

họp bàn chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền

 

Miếu Ngũ Hành (Miếu Năm Bà) được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh

Cuộc họp cũng thống nhất và quyết định những vấn đề rất kịp thời: Gấp rút may cờ, viết biểu ngữ; cử người đi vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ Tháp Chàm, làng Vạn Phước, Trường Sanh tham gia và tự trang bị vũ khí cho mình; liên lạc với Phan Rang, huy động lực lượng phối hợp hành động; cuộc họp đã bầu ra Ban Chỉ huy cuộc biểu tình gồm các đồng chí Lê Cát, Lê Bút và Trần Lương, do đồng chí Lê Cát làm Trưởng ban. Đồng chí Lê Chưởng, cán bộ Việt minh tỉnh làm tham mưu cho Ban Chỉ huy; phân công các cán bộ phụ trách các nơi để phá cuộc mít tinh của “Thanh niên tiền tuyến”. Đồng chí Lê Cát phụ trách chung; Lê Thám phụ trách thanh niên Tháp Chàm; Trần Lương phụ trách công nhân Nhà đèn Tháp Chàm; Lê Bút phụ trách tiểu thương, viên chức và Nhân dân nói chung. Ban Chỉ huy đã chuẩn bị sẵn một khẩu hiệu “tiêu diệt quân đội Nhật Bản khắp Đông Dương”, một lá cờ đỏ sao vàng và dây kéo cờ, để thay cờ “quẻ ly” của “Thanh niên tiền tuyến” trong cuộc biểu tình.

Đúng 15 giờ ngày 21/8/1945, tại sân trường tiểu học Bảo An, 200 “Thanh niên tiền tuyến” tập hợp chuẩn bị làm lễ ra mắt và hoan nghênh Chính phủ Trần Trọng Kim. Lúc này, lực lượng của ta gồm công nhân Đề pô Tháp Chàm, công nhân Nhà đèn, thanh niên cứu quốc, các viên chức, thợ thủ công, Nhân dân các làng cũng có mặt. Khi cờ “quẻ ly” vừa kéo lên thì đồng chí Lê Cát hô lớn “Hạ cờ quẻ ly bán nước xuống, kéo cờ Việt Minh lên, yêu cầu bà con hoan hô Việt Minh”; lập tức anh Đinh Văn An (một thanh niên cứu quốc) xông vào giật cờ “quẻ ly” xuống, lấy cờ đỏ sao vàng buộc vào kéo lên giữa tiếng hô vang “Việt Minh vạn tuế”, “Chính quyền về tay Việt Minh”.

Cuộc mít tinh được chuyển thành cuộc biểu tình thị uy của lực lượng cách mạng, quần chúng kéo đến ngày càng đông, phần đông “Thanh niên tiền tuyến” đã gia nhập vào đoàn tuần hành. Đoàn tuần hành kéo đến đồn Bang tá, tên Hồ Trần Chánh đầu hàng, xin cách mạng tha tội chết. Sau đó, tiến lên chiếm đồn bảo an Đô Vinh, được sự giải thích, tuyên truyền của cách mạng, quân lính đã giao vũ khí và tự giải tán. Đoàn biểu tình tiếp tục chiếm Ga xe lửa, Đề pô xe lửa Tháp Chàm. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, Việt Minh tỉnh đã lãnh đạo quần chúng giành chính quyền ở Tháp Chàm.

 

 Đường 21 tháng 8, nơi đoàn biểu tình tuần hành từ Tháp Chàm xuống Phan Rang

để giành chính quyền ở tỉnh lỵ ngày 21/8/1945

 Đến 17 giờ, Ban Chỉ huy quyết định kéo xuống Phan Rang, Nhân dân nhập vào đoàn biểu tình ngày càng đông. Đoàn biểu tình tiến thẳng đến đồn Bảo an của địch, ở đây đã có sẵn tuần vũ và quân lính chờ giao súng cho cách mạng. Sau đó, đoàn biểu tình chia ra các nhóm tỏa ra đi chiếm nhà lao mở cửa giải phóng tù binh, tiến vào dinh Tỉnh trưởng tuyên bố giải tán chính quyền cũ, chiếm các cơ quan, công sở và tiến ra chợ Phan Rang tổ chức diễn thuyết.

22 giờ, đoàn biểu tình về lại Tháp Chàm, ngay trong đêm Ủy ban khởi nghĩa họp và lệnh bắt giam các tên tay sai, đồng thời ban hành lệnh tiếp tục  giành chính quyền ở các Tổng và huyện An Phước.

Trong các ngày 21 và 22/8/1945, các Tổng Vạn Phước, Mỹ Tường, Phú Quý, É Lâm Hạ, É Lâm Thượng, huyện An Phước cùng các thôn, xóm trong tỉnh lần lượt giành được chính quyền. Như vậy, khởi nghĩa giành chính quyền ở Ninh Thuận hoàn toàn thắng lợi, chính quyền đã về tay Nhân dân.

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Ninh Thuận thành công là kết quả của quá trình chủ động và tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị về mọi mặt và nhạy bén chớp thời cơ phát động Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Vì vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, Nhân dân Ninh Thuận đã nhất tề đứng lên với khí thế cách mạng sục sôi, giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công ngày 21/8/1945 và hoàn toàn thắng lợi trong tỉnh ngày 22/8/1945; góp phần vào thắng lợi chung của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong cả nước.

  Lê Duy Hoàn

(Nguồn: Bài viết được đăng trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận

https://ninhthuan.dcs.vn/tinhuy/4/469/38163/288710/Chinh-tri---Thoi-su/Cach-mang-Thang-Tam-nam-1945-o-Ninh-Thuan.aspx)

 

Tin liên quan