Gạch sưởi ấm Chauffeuse
Ở nước Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vẫn còn nghèo. Ngay tại Thủ đô Paris vẫn còn nhiều vùng chưa có điện. Để chống lại giá rét mùa đông, người ta sản xuất ra loại gạch sưởi này, bên trong được cấu tạo thành nhiều ngăn, nhiều lớp để tích tụ nhiệt.
Tại các khu nhà trọ dành cho người lao động, mỗi sáng khi đi làm, người thuê nhà sẽ đưa chủ nhà trọ viên gạch sưởi, khi đốt lò sưởi, chủ nhà sẽ đặt viên gạch vào lò để nung. Khi trở về nhà, người thuê nhà sẽ bọc gói kỹ lưỡng, viên gạch sẽ giữ nhiệt được khoảng 5-7 giờ, đủ cho một đêm.
“Viên gạch hồng” Chauffeuse sưởi ấm mùa Đông PaRi của Bác Hồ:
Kể rằng: “Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều về, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào những tờ báo cũ rồi để xuống nệm cho đỡ rét” (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).
Viên gạch được Bác dùng để sưởi ấm vào mùa đông Pari được nhắc đến trong câu chuyện này cũng chính là loại gạch sưởi Chauffeuse thông dụng ở Pháp lúc bấy giờ.
Viên gạch Chauffeuse hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM là viên gạch đã được ngài Jean François Parot, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM tặng cho Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9/1984.
Viên gạch Chauffeuse được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng thì sau lần đến thăm khu lưu niệm, Tổng Lãnh sự Jean François Parot đã viết thư cho bà ngoại và cử người về Paris thuyết phục, xin bà ngoại viên gạch để tặng cho Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Viên gạch này là kỷ vật của bà ngoại ông Jean François Parot. Bà đã giữ lại suốt hơn nửa thế kỷ như kỷ niệm về một thời nghèo khó. Và kỷ vật gia đình ông Tổng Lãnh sự đã được Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh - gìn giữ như báu vật này trong nhiều năm qua.
“Viên gạch hồng” qua năm tháng vẫn bền màu, là minh chứng cho những ngày thanh niên sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. “Viên gạch hồng”, hay chính ngọn lửa hoài bão, ý chí trong tim đã thôi thúc Người vượt qua những “gió rét thành Ba Lê”hay những “sương mù thành Luân Đôn” dài đằng đẵng.
Cả quá trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ cũng như suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện,… để mỗi chúng ta mãi mãi học tập và làm theo./.
Đảng ủy Công ty TNHH
xổ số kiến thiết ninh thuận
(Trần Thành, Chi bộ Tổ chức – Lao động)